Xu hướng Marketing thông qua nội dung thu hút thị giác đang định hình lại chiến lược Content của các thương hiệu hiện nay như thế nào? Bạn sẽ cần phải theo dõi những xu hướng hàng đầu này để biết được câu trả lời cho câu hỏi trên.
Marketing ngày nay không giống như 5 năm trước đây – hay thậm chí chỉ một năm trước. Đại Dịch đã khiến cả thế giới đảo lộn nhưng sự thật là chúng ta đã đi theo hướng này trong một thời gian, chỉ là COVID như một nút tua nhanh quá trình này hơn.
Trong một tình hình khó nắm bắt, các biện pháp cách ly và giãn cách xã hội để đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng đã ảnh hưởng đến đời sống tinh thần nói chung. Ngoài ra cách chúng ta xem, tương tác và mua sắm từ các thương hiệu cũng chịu ảnh hưởng từ đại Dịch.
Nói một cách đơn giản, xã hội hiện nay:
- Mong muốn có nhiều tương tác hấp dẫn với thương hiệu hơn trước.
- Xem xét sự đáng tin và đạo đức thương hiệu trên một tầm cao mới.
- Tập trung nhiều hơn vào các doanh nghiệp nhỏ và bền vững.
Đây là những hành vi của người tiêu dùng rất khác so với những gì chúng ta đã thấy trong quá khứ. Câu hỏi đặt ra là những xu hướng này ảnh hưởng như thế nào đến Marketing thông qua nội dung thu hút thị giác (Visual Content Marketing)?
Xem thêm: 5 Xu hướng SEO và Content Marketing mà bạn nên biết
Nội dung thu hút thị giác đang tạo ra nhiều kết nối mật thiết, chân thực hơn giữa thương hiệu và người tiêu dùng
Edelman Trust Barometer tiết lộ rằng 70% người tiêu dùng cho biết việc tin tưởng một thương hiệu ngày nay quan trọng hơn so với trước đây.
Đặc biệt, nội dung video mang đến cho các thương hiệu một cơ hội độc nhất để kết nối (gần như) trực tiếp với khán giả của họ. Nội dung video đã thay thế những dạng nội dung không làm được việc này trong khoảng thời gian giãn cách xã hội. Đó là lý do lớn tại sao 91% các Marketer tin rằng video đang dần có vai trò quan trọng hơn đối với nhiều thương hiệu trong bối cảnh đại Dịch.
Dưới đây là một số xu hướng video và nội dung “bắt mắt” khác cần đặc biệt theo dõi:
1. Nội dung và câu chuyện có tính xác thực sẽ thúc đẩy sự tương tác của khán giả
Người tiêu dùng muốn nhìn thấy những câu chuyện, nhân tố đằng sau thương hiệu. Điều đó có thể xảy ra dưới dạng:
- Giám đốc điều hành thảo luận về xuất phát điểm của công ty.
- Một cái nhìn ít ai biết đến từ đội ngũ Trải nghiệm khách hàng (Customer Experience) để mọi người có thể đối mặt với người đại diện mà họ đã nói chuyện qua điện thoại.
- Hoặc các bài đăng trên blog nói về quá trình tạo ra sản phẩm chứ không chỉ nói về mỗi mình sản phẩm đã hoàn thiện.
Sử dụng Instagram Stories, Reels và thậm chí cả video ngắn để giới thiệu những khía cạnh này của thương hiệu. Hãy kiên định làm điều đó và bạn sẽ được chú ý (theo một cách tích cực).
Ngày nay, khán giả ít quan tâm đến sự “xuề xòa” của những buổi chụp hình và những người mẫu, ảnh sản phẩm được sắp xếp hoàn hảo. Họ muốn nhìn thấy những điều chân thật đằng sau đấy.
Thay vì sử dụng mánh lới quảng cáo và chiêu trò bán hàng để tạo điểm nhấn cho thương hiệu của bạn, hãy nói chuyện trực tiếp với những người tiêu dùng. Họ luôn muốn thấy những nỗ lực thực sự từ phía thương hiệu để kết nối ở cấp độ cá nhân và có cảm tình giữa người với người hơn.
Hãy cởi mở, chấp nhận những chỉ trích và không ngại chia sẻ quan điểm của bạn.
2. Chuyển đổi danh mục của bạn thành đồ họa trực quan (Visual Graphic)
Chuyển đổi những danh mục của bạn thành dạng đồ họa tăng thêm lợi ích trong việc tạo ra sự thu hút về mặt hình ảnh khi chia nhỏ những thông tin cần thiết nhất.
Bộ não của chúng ta có hệ thống dây thần kinh để xử lý hình ảnh. Trên thực tế, hình ảnh được xử lý bởi bộ não con người nhanh hơn gấp 60,000 lần so với văn bản.
Thu hút sự tương tác và tăng thời gian khách truy cập ở lại trên trang web với nhiều loại nội dung hơn. Cụ thể, khách truy cập có thể ấn tượng với những loại nội dung như đồ họa trực quan được thay thế từ nội dung bằng văn bản.
3. Tối ưu hóa hình ảnh của thương hiệu bạn cho Google Images
Việc tạo dữ liệu, đồ thị và khái niệm thị giác (Visual Concept) của riêng bạn không chỉ củng cố thẩm quyền của thương hiệu trong thị trường ngách mà còn thu hút các liên kết và trích dẫn.
Nếu bạn tối ưu hóa đúng cách mọi hình ảnh bạn tải lên bằng thẻ alt, tất cả những hình ảnh ấy sau đó có thể được Google lập chỉ mục trong trang Tìm kiếm và Hình ảnh. Chúng cũng có thể được tìm thấy bởi các nhà xuất bản, những người có thể chọn chúng và nhờ vào đó kết nối với bạn.
Bạn thậm chí có thể tối ưu hóa hình ảnh và đồ họa cho nội dung thương hiệu của mình. Nhờ đó, tất cả các định dạng nội dung của bạn – không chỉ một số mà là tất cả – đều được hiển thị trong Google Images.
Google giống như một hệ thống phân loại thập phân Dewey (Dewey Decimal System). Hãy cung cấp cho hệ thống này thông tin phù hợp về những nội dung thu hút thị giác mà bạn tải lên và bạn sẽ được xếp hạng ở mọi nơi.
Ví dụ, giả sử như bạn có một podcast. Nếu bạn tối ưu hóa từng tập podcast với nội dung trang web tương ứng bao gồm đồ họa và hình ảnh, podcast của bạn có thể được hiển thị trong Google Hình ảnh.
Hãy xem cách Search Engine Journal thành công trong việc này. Bởi vì có các thẻ alt của Google được tối ưu hóa phù hợp cho mọi hình ảnh, ngay cả podcast SEJ trong iTunes cũng hiển thị trong Google Hình ảnh:
4. Nội dung Video Livestream
Khán giả đang quay lưng lại với những nội dung được trau chuốt, chỉnh sửa quá nhiều và không mang lại cảm giác chân thực. Đây là trường hợp tương tự với những video Livestream so với video được ghi sẵn.
Phát sóng trực tiếp có cảm giác gần gũi khiến khán giả cảm thấy có sự kết nối hơn vì các sự kiện đang diễn ra trong thời gian thực, đặc biệt là với sự gia tăng của các sự kiện ảo.
Người dùng thường có thể nhận xét và tương tác trực tiếp với những người tổ chức. Với những lợi thế này, không có gì ngạc nhiên khi các video trực tiếp thường kiếm được gấp đôi sự tương tác so với các video được ghi trước.
5. Trò chơi hóa các nội dung thu hút thị giác có thể tương tác
Loại nội dung hấp dẫn này đặc biệt phổ biến trong các chức năng Stories trên mạng xã hội, nhưng nó không chỉ giới hạn ở Instagram và Facebook.
Chức năng chủ yếu của loại nội dung thu hút thị giác này là thách thức khán giả của bạn tương tác trực tiếp. Cho dù đó là xếp hạng trang phục yêu thích, giải một câu đố online, chơi trò “chọn cái này hay cái kia”, tham gia vào trò chơi bingo, hoặc nhiều dạng bài đăng khác.
Về bản chất, bạn đang mời người đọc của mình chia sẻ ý kiến của họ hoặc chơi một số loại ‘game’ với bạn.
6. Dạng video có thời lượng ngắn như TikTok
Thời lượng tiêu chuẩn của một video TikTok tối đa là một phút, nội dung phải ngắn gọn, vào đúng trọng tâm mà vẫn mang tính giải trí. Sự khao khát của người tiêu dùng đối với phong cách nội dung này sẽ không thay đổi trong một thời gian dài!
Vào tháng 1 năm 2021, TikTok là ứng dụng được cài đặt nhiều thứ hai với gần 62 triệu lượt tải xuống chỉ trong tháng này. Các nền tảng phương tiện xã hội khác (tương tự, như Instagram Reels) cũng đang bắt đầu trở nên phổ biến.
Điều gì làm cho loại nội dung thu hút thị giác này trở nên thú vị?
Hầu hết những video này đều vui nhộn, kỳ quặc và không quá nghiêm túc. Những video này tương tác với khán giả và nói lên trọng tâm vấn đề một cách nhanh chóng.
7. Nội dung “bắt mắt” có thể mua được
Mua sắm sản phẩm trực tiếp từ mạng xã hội từng là một khái niệm mới lạ, nhưng nó đã nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn. Năm 2020, 18,3% của người dùng Facebook đã mua hàng trực tiếp trên nền tảng này.
Các kênh truyền thông xã hội đã bắt kịp xu hướng này bằng cách cung cấp các công cụ kinh doanh như nhãn dán mua sắm (Shopping Stickers) và thẻ sản phẩm (Product Tags).
Nhưng nội dung thu hút thị giác có thể mua sắm không bị giới hạn trên mạng xã hội. Các doanh nghiệp đang trở nên sáng tạo và thêm trực tiếp liên kết cửa hàng vào danh mục kỹ thuật số và lookbook, các bài đăng trên blog của họ, và gần như bất kỳ nơi nào khác mà một liên kết có thể gắn vào.
8. Nội dung ngắn hạn
Nội dung ngắn hạn (Ephemeral Content) là dạng nội dung có thể truy cập tạm thời, thường là trong khoảng thời gian 24 giờ, trước khi nó biến mất. Nếu bạn đã quen thuộc với tính năng Story trên Snapchat, Instagram và Facebook thì bạn đã quen với loại nội dung “sớm nở tối tàn” này.
Bởi vì nội dung này có thời hạn quá ngắn, nó tạo ra cảm giác cấp bách khiến mọi người phải xem. Nó đặc biệt tuyệt vời trong việc giới thiệu nội dung do người dùng tạo ra (User-generated Content – UGC) mà không phải lo lắng về việc phù hợp với thẩm mỹ thương hiệu. Lý do là vì những nội dung này sẽ không thể hiển thị vĩnh viễn.
Instagram đã báo cáo rằng 58% người dùng trở nên quan tâm hơn đến một thương hiệu hoặc sản phẩm sau khi thấy nó xuất hiện trong các Story. Do đó, dạng nội dung ngắn hạn này có rất nhiều lợi thế về sức mạnh của nó, đặc biệt hơn là khi nó có thể mua được.
Xem thêm: Ephemeral Content và làm sao triển khai loại nội dung này hiệu quả?
9. Hình ảnh động và GIF
Loại nội dung thu hút thị giác này đã phổ biến trong một thời gian và có khả năng sẽ tiếp tục thịnh hành.
GIF và hình ảnh động có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn như, hiển thị từng bước trong một bài đăng hướng dẫn, tạo sự thu hút cho một bức ảnh hoặc thêm một điểm nhấn thú vị, hấp dẫn vào nội dung của bạn.
10. Hình ảnh/Video 360°
Người xem thích thú với khả năng “ghé thăm” một địa điểm và có quyền kiểm soát những gì họ nhìn thấy thông qua việc thay đổi chế độ xem. Họ có thể làm được điều này bằng cách trượt ngón tay hoặc kéo chuột trong chế độ xem ảnh hoặc video 360°. Những hành động này ngay lập tức làm cho dạng nội dung phẳng trở nên hấp dẫn hơn nhiều bằng cách khơi gợi trí tò mò.
Từ quan điểm của thương mại điện tử, sản phẩm có thể được hiển thị ở mọi góc độ để cung cấp cho người tiêu dùng sự hình dung tốt hơn về những gì họ mua và nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến nói chung.
Có rất nhiều cơ hội cho loại nội dung này.
Không có gì phải bàn cãi: Nội dung thu hút thị giác đang thay đổi cách người tiêu dùng tương tác với thương hiệu
Chân thực. Tương tác được. Đáng tin cậy.
Đây là những gì người tiêu dùng hiện đại đang tìm kiếm. Nội dung “bắt mắt” đang phát triển trên tất cả nền tảng và các kênh để đáp ứng những nhu cầu đó. Đồng thời, loại nội dung này cũng thay đổi cách khán giả nhìn nhận và tương tác với thương hiệu.
Các doanh nghiệp đã vươn lên để đáp ứng những kỳ vọng này là những doanh nghiệp sẽ không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong thị trường hậu COVID.
Nguồn: Search Engine Journal